Tôi vừa đọc được trên cổng thông tin của tỉnh Phú Thọ về đề án sáp nhập 3 tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và đề án sáp nhập xã.
Theo dự thảo Đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, để thành lập tỉnh Phú Thọ trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã của 3 tỉnh.
Sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ (mới) có diện tích tự nhiên trên 9.400km2; quy mô dân số khoảng 3,6 triệu người; trung tâm hành chính – chính trị tại thành phố Việt Trì hiện nay.
Đối với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ, dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập giảm còn 66 đơn vị hành chính cấp xã.
Hôm qua, có thông tin Hòa Bình dự kiến còn 46 xã, phường sau sáp nhập còn Vĩnh Phúc thì còn 36.
Như vậy thì toàn đuôi 6 tức là lộc rồi.
Theo dự thảo Đề án hợp nhất 3 tỉnh thành tỉnh Phú Thọ đang lấy ý kiến nhân dân, tỉnh Phú Thọ (trước sáp nhập) có tổng biên chế 10.248 người, tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 9.035 người và tỉnh Hòa Bình khoảng 9.120 người (tổng cộng 3 tỉnh trên 28.400 biên chế).
Dự thảo nhấn mạnh, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi thành lập tỉnh Phú Thọ mới phải đảm bảo nguyên tắc tổng số cán bộ (số có mặt thực tế) không vượt quá tổng số của ba tỉnh trước khi sáp nhập.
Tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất dự kiến dôi dư 228 người, trong đó công chức có 68 người, viên chức 160 người. Trong đó, địa phương này dự kiến giải quyết nghỉ hưu đúng độ tuổi, đúng chế độ cho 44 người; tinh giản biên chế hoặc thôi việc theo nguyện vọng, chế độ chính sách hiện hành với 184 người.
Việc tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, phù hợp yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức. Không để xảy ra tình trạng trùng lặp chức danh, bất cập về phân công nhiệm vụ hay thiệt thòi quyền lợi của cán bộ. Trong lộ trình 5 năm, theo dự thảo, phải cơ bản hoàn tất bố trí theo đúng quy định.